Hiện nay, điều không thể phủ nhận là nhu cầu sử dụng ô tô đang tăng lên không ngừng. Do đó, việc bảo dưỡng và kiểm tra các hệ thống trên xe ô tô trở nên cực kỳ quan trọng và cần được thực hiện đều đặn. Auto Phong Bổn xin hướng dẫn 11 bước chăm sóc xe ô tô của bạn ngay tại nhà.
1. Kiểm tra khoang động cơ
Thường xuyên kiểm tra khoang động cơ xem tình trạng các hệ thống hoạt động như thế nào, có dấu hiệu bị rò rỉ dầu nhớt hay không, kiểm tra xem có chuột vào cắn phá dây điện hay không …
Thường xuyên vệ sinh các chi tiết cơ khí, cũng như các hộp rơle cầu chì, đảm bảo an toàn với các thiết bị điện như: máy phát, máy khởi động, hệ thống điện đèn pha, đèn sương mù, bình ắc-quy, …
2. Kiểm tra hệ thống phanh
Hệ thống phanh là một bộ phận rất quan trọng đối với ô tô, việc kiểm tra hệ thống phanh nên diễn ra thường xuyên, để đảm bảo an toàn khi lái xe.
Việc kiểm tra hệ thống phanh có thể kiểm tra trực tiếp bằng thị giác, hoặc có thể nhận biết qua các biểu hiện trong quá trình sử dụng, như má phanh phát ra tiếng kêu, phanh xe bị lệch tay lái …
Trước tiên, ta kiểm tra má phanh, xem đã bị mòn hay chưa. Sau đó, vệ sinh củ phanh sạch sẽ, vì đây là nơi trực tiếp tiếp xúc với đất, cát, nên gây ra hiện tượng má phanh bị mài mòn và có tiếng kêu. Nếu củ phanh bị mòn, hãy đến garage gần nhất để kịp thời thay thế và sửa chữa.
3. Kiểm tra mức dầu phanh
Thông thường, dầu trong bình chứa rất ít khi bị hao hụt, nhưng cũng không vì vậy mà chúng ta chủ quan không chú trọng đến vấn đề này.
Với xe bị hao hụt dầu phanh, rất có thể đường dây dẫn dầu đã bị rò rỉ, làm chảy dầu phanh. Việc hao hụt mức dầu phanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến áp lực dầu, dẫn đến tình trạng phanh không ăn, không nhạy, không đồng đều, lệch tay lái.
Đối với những xe đã sử dụng trên 2 năm, dầu phanh sẽ bị đục, làm giảm áp suất phanh, nên thay thế dầu phanh mới theo đúng tiêu chuẩn (thường là từ DOT 3 trở lên).
4. Kiểm tra nước làm mát
Xe vận hành được là nhờ vào động cơ. Động cơ hoạt động tốt hoàn toàn phụ thuộc vào nước làm mát. Việc để nước làm mát hao hụt hay nhiều quá mức có thể dẫn đến tình trạng hư hại khác nhau.
Hụt nước làm mát dẫn đến xe bị quá nhiệt, động cơ báo lỗi sẽ không hoạt động được. Nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng rippe máy.
Nếu nước làm mát nhiều quá mức tiêu chuẩn, khi xe hoạt động nóng, nước sẽ bị sôi, dẫn đến trào ra bên ngoài. Nguy hiểm hơn, có thể làm hư hại máy phát điện, hệ thống đánh lửa, cũng như các thiết bị điện trong khoang động cơ.
Vì vậy, nên kiểm tra mực nước làm mát thường xuyên hơn. Thời điểm kiểm tra với điều kiện xe không hoạt động, động cơ nguội và mức nước tốt nhất nằm giữa Full - Low.
5. Kiểm tra dầu trợ lực lái (nếu có)
Với những mẫu xe sử dụng hệ thống trợ lực lái dầu, thì việc kiểm tra mức dầu nên thường xuyên hơn, vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn hướng. Áp suất dầu quá thấp sẽ gây ra tình trang đánh lái nặng, mức dầu ít gây tình trạng xỉa lái …
Một số dòng xe sử dụng dầu trợ lực lái cùng với dầu hộp số tự động (ATF), nên việc bảo dưỡng ô tô ngay tại nhà sẽ dễ dàng hơn.
6. Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ
Dầu bôi trơn động cơ rất quan trọng, đóng vai trò như lá phổi cho động cơ. Nên thay dầu động cơ theo đúng lịch bảo dưỡng định kỳ để xe hoạt động tốt nhất.
7. Kiểm tra dòng điện ắc-quy
Hãy trang bị cho xế yêu đồng hồ đo điện (VOM), kiểm tra tình trạng điện trên xe, kiểm tra máy phát hoạt động như thế nào, kiểm tra ắc-quy có bị ăn mòn hay bị ô-xy hóa không.
Đo tình trạng ắc-quy theo quy chuẩn sau:
a. Đo ắc-quy không tải: là đo ắc-quy khi động cơ không hoạt động, đo trực tiếp trên cọc bình ắc-quy, bình ắc-quy tốt sẽ cho thông số 12.4 (V).
b. Đo ắc-quy toàn tải: tức là đo ắc-quy khi động cơ đang hoạt động. Lúc này, chúng ta đo trực tiếp trên bình ắc-quy, nhưng thực chất kiểm tra hoạt động của máy phát có tốt không. Ở bước này có 2 dạng:
- Dạng thứ nhất: Đo ắc-quy khi động cơ hoạt động ở chế độ cầm chừng (không đạp ga). Khi đó, nếu ắc-quy cho thông số 13.9 (V), tức máy phát hoạt động bình thường, các chi tiết buli hoạt động đồng tốc với nhau. Nếu thấp hơn thông số trên, thì hãy sửa chữa khắc phục sớm nhất, tránh tình trạng làm hư hại ắc-quy.
- Dạng thứ hai: Đo ắc-quy khi động cơ hoạt động ở chế độ toàn tải (đạp ga mạnh và giữ chân ga). Nếu đồng hồ hiển thị 14.2 (V), tức là tiết chế trong máy phát vẫn hoạt động tốt, dòng điện nạp vào ắc-quy ổn định. Nếu như cho thông số cao hơn, chúng ta không nên để tình trạng này kéo dài quá lâu, sẽ gây ra hiện tượng phù bình, ắc-quy sẽ bị hư hỏng ngay.
8. Kiểm tra lốp
Áp suất lốp: Khi đi xa trên chuyến hành trình dài, việc kiểm tra áp suất lốp nên đảm bảo đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Thông số áp suất lốp được nhà sản xuất dán cụ thể trên cánh cửa bên ghế tài xế.
Kiểm tra độ mòn của lốp: Lốp xe là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, vì vậy, rất quan trọng mỗi khi di chuyển.
9. Kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng, xi-nhan
Hệ thống đèn chiếu sáng rất quan trọng khi lưu thông vào ban đêm, hãy đảm bảo hệ thống đèn pha, đèn xi-nhan, đèn sương mù hoạt động bình thường.
10. Rửa xe ngay sau khi đi mưa
Trong nước mưa có thành phần axit, sẽ gây ăn mòn khung gầm, đặc biệt là các chi tiết cơ khí, dẫn động, rô-tuyn lái, thước lái, …
Ngoài ra, sau khi đi dưới mưa, nước mưa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các chi tiết bên ngoài, như phần thân vỏ xe sẽ dễ bị phai màu.
Nên trang bị máy rửa xe áp suất cao, dễ dàng loại bỏ đất, cát bám lên trên bề mặt, cũng như hạn chế tối đa sự ăn mòn của nước mưa.
11. Vệ sinh nội thất
Việc vệ sinh nội thất cần được thực hiện thường xuyên, nhằm hạn chế tối đa mùi hôi trong khoang hành khách, cũng như hút bụi bẩn bám vào ghế da, đồng hồ taplo, khoang để chân, …
Để có thể sử dụng xe ô tô lâu dài, luôn hoạt động ổn định và vận hành êm ái thì việc bảo dưỡng xe ô tô định kỳ là điều hết sức cần thiết. Chỉ với 20 phút/ngày để thực hiện 11 điều trên ngay tại nhà bạn sẽ tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho việc bảo dưỡng xe ô tô tại gara. Trong quá trình tự bảo dưỡng tại nhà bạn cần hết sức chú ý các vấn đề an toàn để có một quy trình bảo dưỡng có hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến các bộ phận trên xe.